Home    Phi lợi nhuận, Thiên nhiên, Trồng rừng  Trồng cây Bo Bo( thuốc nam) dưới tán rừng ở Khu sinh quyển miền Tây Nghệ An

Trồng cây Bo Bo( thuốc nam) dưới tán rừng ở Khu sinh quyển miền Tây Nghệ An

Khảo sát cây Bo Bo

  1. Bối cảnh khảo sát:

Cây Bon Bo còn được gọi là cây Bo Bo, Mạc Cà, Cọ Cà, Sẹ tía, Sa nhân tím, có tên khoa học là Alpinia Bractea là loài cây hoang dã tự nhiên, một loài Lâm sản ngoài gỗ, mọc phổ biến ở nhiều nơi thuộc miền núi tỉnh Nghệ An, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên. Bon Bo là loài cây đa tác dụng, theo dân gian truyền miệng đồng bào dân tộc Thái thì hạt được sử dụng làm thuốc chữa bệnh( thấp khớp, đau lưng, đau dạ dày), lá non được sử dụng chế biến các món ăn. Hạt Bon Bo là nguồn dược liệu có giá trị xuất khẩu cao, hàng năm ước đã có hàng trăm tấn được xuất khẩu. Một ha cây Bon Bo sau khi trồng 3 năm với mật độ 800 cây/ ha có thể mang lại thu nhập 10 đến 15 triệu đồng/ năm( nguồn báo cáo Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc( UNDP- GEF SGP)

Cây bon bo dưới tán rừng

Từ năm 2015 đến nay với sự hỗ trợ của Dự án  UNDP- GEF SGP cây Bon Bo đã được gây trồng thành công với mô hình 86 ha với 84 hộ gia đình tham gia  tại các xã Nậm Nhóong, Châu Thôn huyện Quế Phong.

Năm 2016 Dự án rừng và đồng bằng (VFD) đã tổ chức các đợt tập huấn cho 268 hộ gia đình của 5  bản thuộc xã Nậm Giải về việc bảo tồn và phát triển loài cây này.

Ngoài các địa phương trên, hiện nay có khá nhiều địa phương ở trong tỉnh như xã Tây Sơn, xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn, Xã Yên Na huyện Tương Dương… hàng trăm hộ dân đã từng bước khoanh nuôi phục hồi, gây trồng cây Bon Bo để khai thác Hạt nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Người dân địa phương đang tìm, khai thác quả cây bon bo.

Bên cạnh những thành công ban đầu đã trình bày ở trên, để tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển sinh kế về bảo tồn và phát triển Bon Bo gắn với bảo vệ và  phát triển rừng bền vững, hiện nay Dự án VFD đang thiếu nhiều thông tin về thực trạng cây Bon Bo, về thu hái, chế biến và thị trường. Để có những thông tin cơ bản về thực trạng cây Bon bo, Dự án VFD phối hợp Ban QLDA tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát ở 3 huyện miền núi Quế Phong, Tương Dương, Kì Sơn nơi có nhiều diện tích Bon Bo nhất của tỉnh Nghệ An.

Cán bộ VFD và người dân địa phương
  1. Mục đích cuộc khảo sát:

Nhằm phục vụ cho việc xây dựng Kế hoạch hoạt động về sinh kế của Dự án VFD năm 2017 lồng ghép vào chính sách phát triển KT-XH của 3 huyện miền núi Quế Phong, Tương Dương, Kì Sơn Nghệ An.

Dự án tổ chức cuộc khảo sát thu thập thông tin cơ bản về cây Bon Bo: Đặc điểm về phân bố, diện tích cây Bon Bo hiện có, trữ sản lượng khai thác hàng năm trên địa bàn tỉnh.  Thị trường Hạt Bon Bo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ vv…..

  1. Phương pháp khảo sát:

Khảo sát được thực hiện với phương pháp định tính và định lượng.

  • Phương pháp định tính như họp, làm việc với các cơ quan cấp huyện, xã như UBND huyện, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện, UBND xã, các trưởng bản đã được thực hiện trong cuộc khảo sát.
  • Phương pháp định lượng được thực hiện thông qua các bảng hỏi với hộ gia đình
  • Phương pháp bản đồ xác định phân bố Bon Bo

 

  1. Tiến trình khảo sát:
  • Ban QLDA tỉnh và các cán bộ VFD lựa chọn các huyện, xã, bản có tham khảo các đơn vị có liên quan
  • Lập Kế hoạch khảo sát Bon bo gửi các đơn vị liên quan
  • Thông báo đến các địa phương nơi tiến hành khảo sát
  • Chuẩn bị các mẫu biểu, bản đồ, hậu cần phục vụ chuyến khảo sát
  • Để thực hiện khảo sát thu thập thông tin trên diện rộng, nhóm cán bộ Dự án VFD và PPMU đã tổ chức họp các cán bộ cấp huyện, xã, các bản để hướng dẫn các phương pháp khảo sát, phỏng vấn các hộ gia đình theo mẫu biểu của Dự án.

 

  1. Kết quả khảo sát:

Nhóm công tác VFD và PPMU phối hợp với cán bộ phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, cán bộ UBND các xã  và các trưởng bản ( danh sách tham gia phụ lục 1) đã thực hiện tham vấn với 1,117 trong đó có 42 cán bộ và 1,075 người dân địa phương của 3 huyện, 13 xã và 54 bản . Trong đó: Tương Dương 1 xã và 4 bản; Kì Sơn 7 xã 28 bản; Quế Phong 5 xã 22 bản. Tỷ lệ người dân tộc 98 %  gồm: Thái 58,2%;  Hơ Mông 29,2%;  Khơ Mú: 10,6 và Kinh 2% và hơn 27% là nữ tham gia các buổi làm việc và  phỏng vấn trực tiếp.

Nhóm công tác trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND huyện, phòng nông nghiệp, Trạm khuyến nông, UBND các xã để thu thập thông tin về các chính sách phát triển kinh tế trong đó có cây Bon bo. Huyện Quế Phong đã có Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ khóa XXI giai đoạn 2015-2020 trong đó có nội dung về phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Quế Phong; Quyết định của UBND huyện Quế Phong về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020 ban hành ngày 11/4/2016.  Trong Đề án phát triển cây dược liệu có bảo tồn và phát triển cây Bon Bo bên cạnh cây chè hoa vàng và các loại các loại cây thuốc khác của địa phương.

Qua làm việc với chính quyền địa phương và các phòng ban, đơn vị liên quan nhóm công tác đã chọn được các địa bàn khảo sát nơi có nhiều Bon bo tồn tại và phát triển dưới tán cây rừng tự nhiên và trang trại rừng, vườn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảng 1: Đơn vị tham vấn trong cuộc khảo sát

Cấp Số đơn vị Buổi làm việc Số người được tham vấn Trong đó
Nữ Người dân tộc thiểu số
Cấp huyện 3  3  10 2 9
Cấp xã 13 13  32 6 6
Cấp thôn 54 28 1,075 304 1,075
Tổng cộng 70 44 1,117 312 1,090

Bảng 2: Địa phương thực hiện khảo sát

Huyện Xã – Bản khảo sát
Bản
Tương Dương Yên Na Bản Vẽ, Xốp Pu, Xốp Pu, Xiềng Nứa
Kỳ Sơn Nậm Cắn Tiền Tiêu, Trường Sơn, Khánh Thành, Nọng Giẻ và Phà Ca,
Na Ngoi Pù Thăm 1, Cuộc 3, Thăm Hón
Huồi Tụ Ngã Ba, Huồi Khe, Phà Bún, Phà Xắc, Huồi Đun, Trung Tâm
Tây Sơn Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2, Huồi Giảng 3, Đống Trên, Đống Dưới, Lữ Thành
Mường Lống Trung Tâm, Long Kéo, Mường Lống 1
Bảo Nam Huồi Hốc 2, Sao Đi
Nậm Càn Nậm Càn, Liên Sơn, Thăm Hín
Quế Phong Nậm Giải Pòng, Cáng, Chá Lấu, Tóng, Mờ
Hạnh Dịch Pỏm Om, Pà Kỉm, Pà Cọ
Châu Kim Đổ, Hữu Văn, Liên Minh, Mồng Chổi, Muồng
Thông Thụ Mai, Ăng, Huồi Đừa, Hủa Na 1
Tiền Phong Piêng Cu 1, Piêng Cu 2, Na Sành, Long Quang
  • Về khai thác Bon Bo trong rừng tự nhiên:

Người dân đã biết khai thác quả Bon Bo trong rừng tự nhiên từ lâu và bán cho các thương lái địa phương, cụ thể như sau:

  • Huyện Tương Dương: Người dân bắt đầu khai thác từ năm 2005, ca biệt có gia đình khai thác từ năm 1995.
  • Huyện Kì Sơn: Khai thác từ năm 2004-2006 và người dân khai thác nhiều hơn vào những năm 2010-2011 cho đến nay đã bắt đầu khoanh nuôi bảo vệ để quản lý và khai thác bền vững hơn. Dự án Luxambour hỗ trợ cho người dân ở xã Tây Sơn trồng và khoanh nuôi phát triển Bon Bo trong trang trại rừng.
  • Huyện Quế Phong: Người dân bắt đầu khai thác từ những năm 2004, có một số hộ khai thác từ những năm 1998, đặc biệt khai thác mạnh hơn trong những năm 2010-2011

Nông dân, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều vùng đang khai thác quả Bon Bo theo  tự nhiên, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, chưa biết cách bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi, trồng, chăm sóc nên hiệu hiệu quả kinh tế thấp, dễ cạn kiệt nguồn tài nguyên này và sinh kế thiếu bền vững. Qua khảo sát khai thác Bon Bo trong rừng tự nhiên chiếm 77% khoanh nuôi bảo vệ chiếm 23% (chủ yếu ở Kỳ Sơn)

      ( Cây bon bo được khoanh nuôi dưới tán rừng xã Tây Sơn, Kì Sơn)

Người dân địa phương thực hành trồng, nhân giống cây Bon Bo.

 

  • Về sản lượng Bon Bo qua khảo sát trực tiếp 5 bản xã Nậm Giải thu hoạch trong năm 2015, cụ thể như sau:
  1. Bản Pòng: 6160 kg
  2. Bản Cáng: 4255 kg
  3. Bản Mờ: 10130 kg
  4. Bản Tóng: 9670 kg
  5. Bản Chà lấu 7680 kg

Tổng cộng: 37.895 kg ( có danh sách các hộ kèm theo phụ lục 2)

Từ tháng 4 đến tháng 8 Năm 2016: Dự án VFD đã hỗ trợ tổ chức 2 đợt tập huấn kĩ thuật khoanh nuôi, trồng và chăm sóc, thu hoạch và chế biến Bon Bo cho 268 hộ gia đình ở 5 bản của xã Nậm Giải. Trong đó có 235 hộ đã áp dụng kiến thức vào thực tế và trồng, khoanh nuôi được 243 ha ( có danh sách các hộ kèm theo phụ lục 3)

  • Về thu hái và chế biến:

Khai thác, chế biến Hạt Bon Bo chưa được hướng dẫn theo quy trình khoa học chủ yếu làm theo phương pháp thủ công và kinh nghiêm truyền thống. Việc chế biến Hạt Bon Bo đang được Phụ nữ  luộc quả đun bằng bếp truyền thống; sấy hạt được phơi nắng mặt trời trong khi mùa thu hoạch vào mùa mưa ở miền núi nên năng suất lao động thấp, chi phí cao; phẩm chất, giá trị thương mại của Hạt Bon Bo phụ thuộc nhiều vào thời tiết, có nhiều rủi ro.

  • Về thị trường và giá cả:

Qua khảo sát phỏng vấn người dân địa phương và một số hộ tư thương buôn bán ở thị trấn Kì Sơn, Quế Phong: Người dân sau khi thu hoạch và chế biến nhập cho các tư thương ở tại địa bàn. Trong những năm gần đây các tư thương trực tiếp đến các bản thu mua trực tiếp. Sau khi thu mua các tư thương chuyến hàng bán cho các tư thương khác ở Lạng Sơn. Qua phỏng vấn mọi người đều nói hạt Bon bo xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, nhung đến nay chưa có ai bán trực tiếp cho các thương nhân Trung Quốc.  Chưa có các doanh nghiệp quan tâm, liên kết để bao tiêu Hạt Bon Bo cho đồng bào nên giá cả thị trường thiếu tính ổn định.

Giá cả:

Địa bàn Thấp nhất Cao nhất
Tương Dương 18,000đ/kg 40,0000đ/kg
Kỳ Sơn 10,000đ/kg 40,000đ/kg
Quế Phong 17,000đ/kg 38,000đ/kg
  • Thu nhập từ khai thác Bon bo:
  • Tương Dương: 4-5 triệu đồng/ hộ/năm
  • Kỳ Sơn: 2 -3 triệu đồng/hộ/năm
  • Quế Phong: 3-4 triệu đồng/hộ/ năm

 

  • Về giới: Hoạt động thu hái quả Bon bo trong rừng tự nhiên cũng như khoanh nuôi, chăm sóc và chế biến Bon bo chủ yếu do chị em phụ nữ dân tộc Thái, Hơ Mông và Khơ mú thực hiện. Hoạt động sinh kế này thu hút sự tham gia số lượng rất lớn lực lượng lao động nữ, góp phần tạo công ăn việc làm xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình đồng bào, đặc biệt là các hộ do phụ nữ làm chủ. Qua khảo sát có hơn 27% phụ nữ tham gia.

                  ( Thu thập ý kiến của người dân về cây Bon Bo)

  • Đánh giá nhu cầu của người dân:

85% số người được phỏng vấn có nhu cầu tập huấn nâng cao kỹ thuật khai thác và sơ chế Bon bo

45% có nhu cầu thành lập Tổ hợp tác/hợp tác xã Bon Bo

Tóm lại: Việc phát triển cây Bon Bo, tiêu thụ hạt Bon Bo niện nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đang phát triển tự phát,  mạnh ai nấy làm, nên không chia sẻ được thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chưa có tổ hợp tác, HTX về Bon Bo đang bán cho tư thương nên giá cả không ổn định, người dân phải chịu nhiều thiệt thòi.

Vì vậy việc bảo tồn và phát triển cây Bon Bo có vai trò, ý nghĩa lớn trong việc cải thiện đời sống người dân miền núi vùng cao và gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học cho các huyện vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An.

Dự án bảo tồn và phát triển cây Bon bo phù hợp với chính sách, chương trình phát triển Kinh tế- Xã hội của địa phương.

Người dân địa phương, chính quyền địa phương và đại diện USAID thực hiện mô hình “Trồng cây Bon Bo dưới tán rừng”

Bảo tồn và phát triển Bon bo sẽ góp phần làm giảm nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, bởi vì cây bon bo luôn sống dưới tán rừng tựn nhiên và trang trại rừng.

Bài viết liên quan

HỖ TRỢ ONG GIỐNG CHO HỘ GIA ĐÌNH XÃ ĐA LỘC (HUYỆN HẬU LỘC) XÃ NGA THUỶ VÀ XÃ NGA TÂN (HUYỆN NGA SƠN), TỈNH THANH HOÁ

Từ ngày 26/3/2023 đến ngày 02/4/2023, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi...

Quản lý nhà nước về tài nguyên rừng, qua thực tiễn tỉnh Nghệ An

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh...